Cảm nhận riêng tôi về thần đồng Đỗ Nhật Nam

Cảm nhận riêng tôi về thần đồng Đỗ Nhật Nam

Mới 11 tuổi mà đã là dịch giả của vài quyển sách thì cậu nhỏ này đúng là tài năng. Nhưng thiên hạ xem đoạn clip này đa phần lại ném đá cậu nhỏ này dữ quá, bởi những lý do: Cậu nhỏ nói năng nghe có vẻ kiêu ngạo, mặt mũi hất lên trời hoặc nhướng mắt lúc nói chuyện, kể lể thành tích từng đạt được của bản thân, khuyên không nên đọc truyện tranh nhiều vì như mẹ của cậu nhỏ nói: “Truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn”, nhà có hàng ngàn quyển sách các loại, v.v… Kết quả là em nhỏ đã bị ném đá tơi bời từ cư dân mạng.

Đỗ Nhật Nam

Tui tò mò xem thử thì kết luận chủ quan như vầy:
1. Về cách nói chuyện của thằng nhỏ, tui thấy cũng khá ổn, bởi vì nó cũng biết nói dạ thưa chứ không phải thuộc loại hỗn hào. Tất nhiên, một đứa đọc sách nhiều thì cách nói năng của nó cũng phải chững chạc và già đời hơn những em đồng trang lứa khác. Đó là chuyện đương nhiên.

2. Có những ý kiến cho rằng thằng nhỏ mặt mũi vênh váo. Tui thì chả thấy nó vênh váo chỗ nào. Mặt nó vênh và hất lên có thể là do thằng cha quay phim đặt ống quay hơi lệch, ống chĩa từ dưới chĩa lên, mà dân trong nghề gọi là “góc xấu”. Không tin thì ai đó tự chĩa cái máy chụp hình từ dưới chụp lên trên mặt coi mặt có vênh hay không là biết liền.

3. Việc thằng nhỏ kể thành tích thì tất nhiên phải có phóng viên hỏi nó câu kiểu như: “Những thành tích em đạt được là gì?” hoặc “Em có thể chia sẻ những giải thưởng mà em đạt được cho mọi người cùng biết được không?”. Đã hỏi thì tất nhiên nó phải trả lời. Mà trả lời xong rồi người ta đem đoạn clip đó về cắt xén lại, có khi cắt luôn câu hỏi của ông/bà phóng viên. Cắt xén vậy thiên hạ không biết nghĩ thằng nhỏ khoe khoang thành tích. Tui thì thấy một điều, người ta hỏi thì nó mới trả lời. Muốn không trả lời thì đừng hỏi.

4. Thằng nhỏ nói nhà nó có hàng ngàn quyển sách. Nó nói nó thích đọc sách Tin học, chính trị, xã hội và khoa học. Nhưng nó không thích đọc truyện tranh lắm. Vậy là thiên hạ nhảy vô chửi nó là khoe chữ. Chửi nó là tại sao không thích đọc truyện tranh, v.v… Ơ hay, con người ta thích đọc gì là kệ người ta. Miễn là điều đó làm bản thân nó cảm thấy vui, thấy hạnh phúc là được. Nó thích đọc hay không thích đọc gì đó là quyền của nó. Nó đọc nhiều sách và nó cảm thấy vui, vậy thì cũng còn hơn cả khối người cả đời không thể đọc hoặc không có nổi một quyển sách. Tại sao lại chửi nó?

5. Nó nói nó không thích đọc truyện tranh và thòng thêm câu: “Như mẹ em nói truyện tranh đục phá tâm hồn”. Nghe xong thiên hạ nhảy dựng đùng đùng lên chửi nó là đồ đánh mất tuổi thơ mà quên mất rằng nó chỉ là một thằng nhỏ mới 11 tuổi. Một đứa mới 11 tuổi thì tất nhiên nó có quyền nói sai, vì nhân cách nó chưa được hoàn thiện. Mà đúng ra là, lời nói đó của nó là do quan điểm của bà mẹ nó. Nếu có trách, phải trách rằng quan niệm của người mẹ đó về truyện tranh như thế là chủ quan, là ấu trĩ, vì không phải truyện tranh nào cũng “đầu độc” trẻ em. Thằng nhỏ chỉ nói lên quan điểm của mẹ nó, vậy mà thiên hạ nhảy dựng lên và chửi. Nó chỉ mới 11 tuổi thôi mà, nó sẽ còn lớn, nhân cách sẽ còn phát triển. Còn phát triển đến đâu, có tài và có đức hay không cũng còn tùy thuộc vào sự giáo dục của cha mẹ nó nữa. Tương lai còn rất dài.

6. Tóm lại, cuộc đời của đa phần những con người bình thường là tuổi nhỏ phải có những trò chơi trẻ em như bắn bí, thả diều, câu cá, nhảy dây, chơi năm mười, đọc truyện tranh,v.v… Nhưng tất nhiên, lâu lâu cũng phải lọt chọt ra một thằng giống như vầy, phải có một chút bất thường trong cuộc đời này. Mỗi người có một sứ mệnh và số phận. Mà đã là sứ mệnh và số phận thì đó là do họ tự hướng và tự sống cuộc đời riêng của họ. Chúng ta không có quyền chỉ trích hay chê bai nếu như cách họ sống không làm tổn hại đến ai, hoặc không gây ra bi kịch cho người khác.
Và nhân cách và quan niệm của một thằng nhỏ 11 tuổi tất nhiên sẽ còn nhiều thay đổi theo thời gian. Không nên phán xét nó một cách quá nặng nề. Bởi lẽ, con người ta trải qua thời gian, ai mà không có lỗi lầm, ai mà không có cái sai, ai mà không có những lúc chưa hoàn thiện? Vậy thì không được quyền bắt lỗi một đứa nhỏ chưa hoàn thiện về nhân cách. Mà nên thấy được những ưu điểm của người ta. Còn sau này, khi đã lớn nhân cách đã hình thành mà người ta gây ra tội lỗi, thiệt hại cho xã hội thì mới đáng lên án.

7. Tất nhiên, tui công nhận thằng nhỏ 11 tuổi này là một tài năng, có thể là tài năng về mặt học tiếng Anh chẳng hạn. Nhưng giả sử nếu tui có con, tui cũng sẽ không cố nhồi nhét cho con cái mình những gì không đúng với lứa tuổi của nó. Tui không cần nó phải là thần đồng. Chỉ cần thông minh…cỡ tui là được rồi. Nhưng nó phải dung nạp được những thứ thuộc về tuổi thơ màu nhiệm từ cha của nó như đá banh, thả diều, bơi lội, đọc truyện tranh, và vô số những trò chơi tuổi thơ mà tui có thể nhớ ra. Còn sau đó, nó phát triển được bao nhiêu thì phát triển. Nó có ước mơ gì thì sẽ để cho nó thực hiện (tất nhiên phải là ước mơ lương thiện). Còn nếu như nó lỡ sinh ra mà thành thần đồng, thì thôi đành chịu. Lúc đó đành phải dạy hoặc hướng nó đến những tiêu chuẩn khác để bổ sung như: Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín, Công-Dung-Ngôn-Hạnh chẳng hạn. Dạy được bao nhiêu thì dạy. Miễn là nó có thể trở thành một người tốt hoặc ít nhất là nó muốn trở thành một người tốt, vậy là được rồi. Có vậy thôi!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận